Đủ kiểu qua mặt công chứng
Vui mừng vì phát hiện kịp thời một hồ sơ thế chấp giấy tờ nhà đất để vay ngân hàng có dấu hiệu giả mạo giấy tờ, ông Hoàng Xuân Ngụ, Trưởng Văn phòng Công chứng (VPCC) Hoàng Xuân (quận 5, TP HCM), cho biết: Nếu hồ sơ lọt qua thì ngân hàng nhận thế chấp tài sản này có nguy cơ mất 250 triệu đồng.
Kinh nghiệm nhiều: Không ăn thua
Đưa chúng tôi xem sổ hộ khẩu và giấy CMND giả được làm rất tinh vi mang tên Nguyễn Thị Kiều Oanh (SN 1965), ông Ngụ phân tích: Nhờ phát hiện dấu vân tay của người tự xưng là Oanh và vân tay trên giấy CMND khác nhau nên chúng tôi đã khẳng định hồ sơ giả mạo. “Bị lộ, đối tượng nhanh chóng bỏ trốn” – ông Ngụ kể.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng may mắn như vậy. Gần 1 năm bị tố cáo về hành vi công chứng hợp đồng trái pháp luật và bị cơ quan chức năng mời lên mời xuống nhiều lần, bà Lý Thị Như Hòa, Trưởng VPCC Lý Thị Như Hòa (huyện Hóc Môn, TP HCM), vẫn chưa hết mệt mỏi. Bà trần tình: “Người ta cố tình làm giả quá tinh vi, dù có kinh nghiệm nhiều năm tôi vẫn không phát hiện được”.
Vụ việc sau đó được cơ quan công an thụ lý điều tra nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận. Ngoài vụ này, VPCC của bà Hòa cũng gặp rắc rối vì công chứng một hồ sơ giả để “một căn nhà bán cho hai người” với giá trị 2 tỉ đồng.
Bà Hòa cho biết tại khoản 1 điều 47 Luật Công chứng quy định người công chứng phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và pháp lý của giấy tờ mình xuất trình. Do đó, nếu họ cố tình gian dối thì công chứng viên cũng khó nhận biết được.
Thời gian qua, VPCC của bà Hòa đã phát hiện nhiều hồ sơ giả chủ yếu xuất phát từ các nhóm tín dụng đen, cho vay nặng lãi và buộc người cho vay phải ủy quyền giấy tờ nhà đất cho mình. Do bí đường và sợ người nhà không đồng ý nên nhiều người phải tìm vợ/chồng giả đến VPCC ký giấy ủy quyền. Việc này đã vô tình tiếp tay cho những đối tượng cho vay nặng lãi mang giấy tờ nhà, đất đi lừa đảo.
Để phát hiện những trường hợp này theo bà Hòa, là do may mắn, “ông bà mách bảo” bởi giấy CMND giả làm rất tinh vi từ hình ảnh, vân tay đến mộc đỏ.
Ông Hoàng Xuân Ngụ cho biết năm nào Sở Tư pháp TP cũng mở 1-2 đợt tập huấn nghiệp vụ cho công chứng viên. Tuy nhiên, lý thuyết không đủ, công chứng viên phải luôn tích lũy kinh nghiệm, cảnh giác trong tất cả các trường hợp. Dù vậy, do hiện nay tình trạng giấy tờ giả tràn lan, được làm ngày càng tinh vi nên dù kinh nghiệm nhiều cỡ nào thì tai nạn nghề nghiệp vẫn xảy ra.
Cán bộ tiếp tay lừa đảo
Chị T., công chứng viên làm việc cho một VPCC tư ở tỉnh Bình Dương, cho rằng công chứng viên thực chất chỉ là “người làm chứng có điều kiện” chứ không phải là giám định viên nên không thể đòi hỏi họ phải nhận diện được tất cả những giấy tờ làm giả.
“Đồ nghề của chúng tôi chỉ có một cái kính lúp mua với giá hơn 100.000 đồng dùng để soi dấu vân tay, ký tự nhỏ… Chúng tôi không có những thiết bị hiện đại như cơ quan giám định” – chị T. lý giải.
Theo chị T., khi giám định chữ viết hay dấu vân tay, cơ quan giám định thường hẹn 1-2 ngày trả kết quả trong khi công chứng viên phải “soi” cả lốc giấy tờ trong 1 ngày. Do đó, việc bị “lọt lưới” là không thể tránh.
Công chứng viên càng dễ bị “qua mặt” khi tội phạm được một số cán bộ cấp phường, xã “giúp sức” mà những vụ lừa đảo đình đám do Phạm Mộng Trinh (SN 1970, ngụ thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cầm đầu là điển hình. Dù chỉ là người buôn bán trái cây ở chợ nhưng Trinh vẫn đủ trình độ “đạo diễn” thực hiện ít nhất 25 vụ lừa đảo liên quan đến đất đai.
Đơn cử, vào đầu năm 2009, một người dân tên là Nguyễn Thị Tươi bị mất sổ đỏ của miếng đất rộng hơn 900 m2. Sổ đỏ này lọt vào tay một phụ nữ không rõ lai lịch và người này đem đến thế chấp cho Trinh để lấy 40 triệu đồng.
Trinh đã nhờ bà Kiều Thị Lãnh đóng vai chủ đất Nguyễn Thị Tươi để chuyển nhượng miếng đất này. Thông qua một người có quan hệ gần gũi với các cán bộ, công an địa phương, Trinh đã làm được đơn cớ mất CMND đứng tên Nguyễn Thị Tươi (dán ảnh của Lãnh) và giấy tờ xác minh tình trạng bất động sản, tình trạng hôn nhân giả.
Những giấy tờ này cộng với sổ đỏ đứng tên Nguyễn Thị Tươi đã giúp bà Lãnh qua mặt Phòng Công chứng số 2 tỉnh Bình Dương. Kết quả, phần đất trên được bán cho bà Nguyễn Thị Lan Hương với giá hơn 300 triệu đồng. Sau cú đóng vai mạo hiểm này, bà Lãnh chỉ được nhận 300.000 đồng, số tiền còn lại Trinh ôm trọn.