Tại sao phải lấy vân tay khi công chứng ? Reviewed by Momizat on . Quá trình tác nghiệp trong nghề Công chứng, tôi đã gặp những chuyện như sau: CHUYỆN THỨ NHẤT: Một cặp "Vợ chồng" đem theo CMTND, sổ Hộ khẩu và Giấy chứng nhận q Quá trình tác nghiệp trong nghề Công chứng, tôi đã gặp những chuyện như sau: CHUYỆN THỨ NHẤT: Một cặp "Vợ chồng" đem theo CMTND, sổ Hộ khẩu và Giấy chứng nhận q Rating: 0
You Are Here: Home » Tiện ích » Câu hỏi thường gặp » Tại sao phải lấy vân tay khi công chứng ?

Tại sao phải lấy vân tay khi công chứng ?

Quá trình tác nghiệp trong nghề Công chứng, tôi đã gặp những chuyện như sau:

CHUYỆN THỨ NHẤT:

Một cặp “Vợ chồng” đem theo CMTND, sổ Hộ khẩu và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến Văn phòng, đề nghị lập văn bản chuyển nhượng nhà đất. Sau khi kiểm tra, thấy giấy tờ đầy đủ, tôi cho lập hợp đồng và chuyển cho hai bên cùng đọc. Cả bên bán, bên mua đều không có ý kiến gì. Tôi cho họ ký hợp đồng. Sau khi ký, tôi yêu cầu được lấy vân tay của vợ chồng bên bán và vợ chồng người mua. Việc lấy vân tay cũng diễn ra suôn sẻ. Nhưng khi tôi cầm kính lúp lên soi để đối chiếu vân tay vừa lấy với vân tay trên chứng minh thư của từng người thì người chồng bên bán hỏi:

– Anh ơi, chỗ rửa tay ở đâu?

Tôi chỉ cho anh ta nơi rửa tay và anh ta đi ra rất nhanh.

Trong phòng, tôi tiếp tục công việc của mình. Nhưng khi đối chiếu vân tay vừa lấy với chứng minh thư mang tên chồng (bên bán) thì tôi phát hiện ra vân tay vừa lấy và vân tay trong chứng minh thư không phải là của một người. Tôi bảo “người vợ” ra gọi anh chồng vào. Chị ta cũng xăng xái đi ra, một lát trở vào chị ta cho biết “anh ấy có việc nên đã đi rồi”. Tôi thông báo cho chị ấy rằng, anh vừa rồi không phải là chồng của chị. Rằng, chị đã “mượn người đóng thế chồng” để đến ký vào hợp đồng công chứng. Chị ta giãy nảy và luôn miệng nói “đó là chồng em mà”. Tôi phân tích cho chị ấy hiểu và nói, hợp đồng này sẽ bị hủy mà không được phát hành, đồng thời tôi trả lại tất cả giấy tờ cho hai bên. Và cuối cùng, chị ấy thừa nhận, vợ  chồng chị đang trục trặc, hiện anh ấy đang vào miền Nam chơi. Nhận chuyện này, chị nhờ người đóng giả chồng để ký hợp đồng bán nhà đất trước khi ly hôn (!)

CHUYỆN THỨ HAI:

Một vị giáo sư già cầm giấy tờ nhà đất và giấy tờ tùy thân cùng vợ đến Văn phòng xin được ký thế chấp tài sản để vay vốn Ngân hàng. Ông ta rất vui, cười nói tự nhiên và thi thoảng quay sang nhìn vợ tình tứ. Tôi kiểm tra giấy tờ rồi cho ký hợp đồng, sau đó lấy vân tay. Nhưng khi đối chiếu vân tay của người phụ nữ vừa lấy vào văn bản và vân tay trên chứng minh thư thì không khớp. Tôi nói với ông:

– Chị đây không phải là người trong chứng minh thư.

Ông ta cự lại tôi và nói:

– Anh nói sao? Đây chính là vợ tôi!

Tôi nhìn ảnhngười phụ nữ sinh năm 1945 ( trong chứng minh thư) rất giống với người đàn bà đang ngồi trước mặt. Tuy nhiên, người phụ nữ ngồi trước mặt tôi lại khá trẻ so với tuổi ghi sinh năm 1945. Cuối cùng tôi nhìn thẳng vào vị giáo sư nói dứt khoát:

– Tôi khẳng định lại với bác rằng, người trong chứng minh thư này và chị đây không phải là một người. Vì vân tay đã chỉ ra điều đó. Có thể có những tình huống sau đã đây xảy ra: một là, Công an đã có sự nhầm lẫn trong việc lấy vân tay của chị nhà với người khác; hai là, chị đây không phải là người trong chứng minh thư và được ghi trong sổ là vợ của bác. Vì vậy, hợp đồng này tôi sẽ hủy ngay mà không được phát hành. Xin trao trả lại giấy tờ gốc cho bác.

Ông ta thở dài rồi nói:

– Sao lại thế được nhỉ? Đành vậy thôi, nhưng anh phải hủy ngay hợp đồng này đấy.

Tôi cười và vui lòng hủy hợp đồng trước mặt vị giáo sư này.

CHUYỆN THỨ BA:

Một bà tuổi sồn sồn đưa hai người con gái tới ký thế chấp tài sản để cho một Công ty vay vốn. Sau khi hoàn tất cả thủ tục, tôi cho lấy vân tay. Và cuối cùng, tôi phát hiện một trong hai cô đến ký, điểm chỉ vào hợp đồng không phải là con gái của bà ta (có chứng minh thư mang theo). Tôi cũng kiên quyết hủy hợp đồng mà không phát hành. Bà ta lu loa, làm toáng lên rằng “các ông hành dân vừa vừa thôi”; rằng, tôi sẽ nhờ người tung lên mặt báo về việc gây khó dễ cho khách hàng của các ông…

Tôi cười, bảo:

– Nếu làm được thì chị cứ làm. Còn với tôi, người ký và điểm chỉ không phải là con gái chị thì chúng tôi hủy văn bản này mà không phát hành đâu. Nếu cần, tôi điện mời Công an đến để xác minh xem chị đúng hay tôi đúng. Nếu chị sai, chị có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa dối của mình đấy.

Nghe tôi nói thế, mặt chị ta chùng xuống, rồi vội vã xin lại giấy tờ gốc và rời Văn phòng rất nhanh và không thấy ngoái đầu trở lại.

Còn nhiều, rất nhiều trường hợp tương tự như thế xảy ra trong quá trình tác nghiệp mà tôi không có điều kiện để nêu ra ở đây. Vì vậy, theo quy định tại điều 41 của Luật Công chứng hiện hành, cũng như qua hoạt động thực tế, tôi cho rằng, rất cần phải lấy vân tay trong các hợp đồng công chứng để bảo đảm việc giao kết đúng người, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia ký kết hợp đồng.

                                                                                                                                                                  CÔNG CHỨNG VIÊN

                                                                                                                                                                     PHẠM XUÂN ĐÀO

© 2014 VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG ĐÔNG ĐÔ

Scroll to top