Vai trò, địa vị pháp lý của tổ chức hành nghề công chứng; mối quan hệ giữa tổ chức hành nghề công chứng với công chứng viên và giá trị pháp lý của văn bản công chứng
Trích tham luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Công chứng.
Từ quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến hoạt động công chứng: Luật Công chứng năm 2014, Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng, Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03/02/2021 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng… cũng như xuất phát từ thực tế cuộc sống, chúng ta thấy tổ chức hành nghề công chứng có một vị trí, vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động bổ trợ tư pháp này. Tham khảo toàn văn Luật Công chứng năm 2014, chúng ta thấy các nhà làm luật đã sử dụng toàn văn Chương III, bao gồm 16 (mười sáu) điều luật, từ Điều 18 đến Điều 33 để quy định về “Tổ chức hành nghề công chứng”, trong đó xác định có 2 (hai) loại tổ chức hành nghề công chứng là phòng công chứng và văn phòng công chứng. Cụ thể, khoản 2 Điều 19 của Luật Công chứng năm 2014 xác định “Phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng.
Ảnh minh họa
Người đại diện theo pháp luật của Phòng công chứng là Trưởng phòng. Trưởng phòng công chứng phải là công chứng viên, do Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức” còn khái niệm văn phòng công chứng thì được ghi nhận tại khoản 1 Điều 22 của Luật Công chứng năm 2014, theo đó “Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh.
Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn”. Tiếp đó, các nhà làm luật dành Điều 32 của Luật Công chứng năm 2014 để liệt kê các “Quyền của tổ chức hành nghề công chứng” còn những “Nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng” được mô tả tại Điều 33 của Luật Công chứng năm 2014. Tuy nhiên, để có thể hiểu rõ địa vị pháp lý hay nói cụ thể hơn là các quyền và nghĩa vụ pháp lý của 2 (hai) loại hình tổ chức hành nghề công chứng nêu trên, độc giả cần phải nghiên cứu, tìm hiểu thêm nội dung một số điều luật có liên quan đến “đơn vị sự nghiệp công lập” được ghi nhận tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác… (đối với Phòng công chứng) hay hình thức “công ty hợp danh” được ghi nhận tại Luật Doanh nghiệp năm 2020, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/04/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp… (đối với Văn phòng công chứng). Đến đây, trong tương quan so sánh với nội dung một số quy định khác có liên quan, chúng ta có thể đưa ra một vài nhận xét ban đầu xoay quanh 2 (hai) loại hình tổ chức hành nghề công chứng đã được đề cập tới ở trên, cụ thể là:
– Căn cứ nội dung khoản 1 Điều 2, Điều 34 và Điều 35 của Luật Công chứng năm 2014 thì về mặt nguyên tắc, công chứng viên chỉ có thể hành nghề công chứng sau khi đã đăng ký và trở thành thành viên của một trong hai loại hình tổ chức hành nghề công chứng kể trên (xem thêm Điều 4 của Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng);
– Tuy được thành lập và hoạt động theo những quy định pháp luật chuyên ngành khác nhau (pháp luật về “đơn vị sự nghiệp công lập” đối với Phòng công chứng và pháp luật doanh nghiệp về “công ty hợp danh” đối với Văn phòng công chứng) nhưng nhìn dưới góc độ pháp luật công chứng, hai loại hình tổ chức hành nghề công chứng kể trên lại có quyền, nghĩa vụ cơ bản là như nhau;
– Có vẻ như ở một số trường hợp nhất định, các nhà làm luật không phân định một cách thật sự tách bạch, rõ ràng giữa quyền, nghĩa vụ pháp lý của cá nhân công chứng viên với quyền, nghĩa vụ pháp lý của tổ chức hành nghề công chứng nơi công chứng viên đó đăng ký hành nghề, đơn cử như nghĩa vụ bồi thường thiệt hại (xem khoản 5 Điều 33 và khoản 1 Điều 38 trong tương quan so sánh với Điều 71 của Luật Công chứng năm 2014).
– Trong chừng mực tối đa của luật, dường như quyền, nghĩa vụ pháp lý của tổ chức hành nghề công chứng sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng bậc nhất để xác định vị trí, vai trò của chủ thể này trong 3 (ba) mối quan hệ sau: (i) với chính từng thành viên của tổ chức hành nghề công chứng đó; (ii) với người yêu cầu công chứng và (iii) với các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền liên quan khác. Để có thể tìm hiểu một cách thấu đáo mối quan hệ giữa tổ chức hành nghề công chứng và giá trị pháp lý của văn bản công chứng, trước tiên chúng ta hãy cùng quay trở lại với nội dung một số điều luật xác định giá trị pháp lý của loại hình sản phẩm nghề nghiệp này của công chứng viên. Cụ thể, khoản 4 Điều 2 của Luật Công chứng năm 2014 chỉ rõ “Văn bản công chứng là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên chứng nhận theo quy định của Luật này”. Còn khi xác định “Giá trị pháp lý của văn bản công chứng”, Điều 5 của Luật Công chứng năm 2014 khẳng định “1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
- Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.
- Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
- Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch”. Ở một khía cạnh nào đó, sở dĩ văn bản công chứng, nhất là “hợp đồng, giao dịch được công chứng” có được giá trị pháp lý cao như vậy là do hợp đồng, giao dịch này đã được công chứng viên, một cá nhân được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm, trao cho quyền lực để hành nghề “làm chứng” một cách chuyên nghiệp. Thêm vào đó, khi thực thi chức nghiệp của mình, công chứng viên không những phải tuân thủ theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định (xem Điều 40 và Điều 41 của Luật Công chứng năm 2014) mà còn phải căn cứ vào những giấy tờ, tài liệu cần phải có trong bộ hồ sơ yêu cầu công chứng do người yêu cầu công chứng xuất trình (xem khoản 1 Điều 47 của Luật Công chứng năm 2014), tiến hành giám định và/hoặc xác minh trong trường hợp cần thiết (xem khoản 5 Điều 40 của Luật Công chứng năm 2014), thậm chí còn phải thực hiện “công khai hóa” đối với một số tình huống xác định (xem khoản 3 Điều 57 của Luật Công chứng năm 2014)…
Như vậy, căn cứ theo nội dung Điều 5 của Luật Công chứng năm 2014 như vừa trích dẫn ở trên, văn bản công chứng mà chính xác hơn là “hợp đồng, giao dịch được công chứng” có hai giá trị pháp lý cơ bản là giá trị thi hành và giá trị chứng cứ. Còn giá trị sử dụng của bản dịch được công chứng sẽ được xác định theo giá trị sử dụng của “giấy tờ, văn bản được dịch”.
+ Về giá trị thi hành: Theo nội dung khoản 2 Điều 5 của Luật Công chứng năm 2014, “hợp đồng, giao dịch được công chứng” có giá trị thi hành. Điểm đáng lưu ý là lúc này, “hợp đồng, giao dịch được công chứng” không chỉ có hiệu lực giữa các bên tham gia xác lập hợp đồng, giao dịch đó (xem khoản 2 Điều 401 của Bộ luật Dân sự năm 2015) mà còn có cả hiệu lực đối với bên thứ ba, cho dù đó là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, nếu một bên vi phạm nghĩa vụ, bên kia không chỉ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết mà các bên còn có thể tự thỏa thuận cách thức giải quyết khi một, một số bên hoặc tất cả các bên vi phạm nghĩa vụ của mình.
+ Về giá trị chứng cứ: Tham khảo nội dung Điều 92 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, chúng ta thấy giá trị chứng cứ của “hợp đồng, giao dịch được công chứng” được quy định tại khoản 3 Điều 5 của Luật Công chứng năm 2014 đã thể hiện quan điểm phù hợp với pháp luật tố tụng dân sự. Như vậy, không chỉ là nguồn chứng cứ thông thường mà pháp luật công chứng cũng như pháp luật tố tụng dân sự cùng thừa nhận tình tiết, sự kiện nêu trong “hợp đồng, giao dịch được công chứng” có một giá trị pháp lý cao hơn hẳn những nguồn chứng cứ khác và là “những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh”, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
Tuy nhiên, để có thể có được hai giá trị pháp lý thi hành và chứng cứ như đã nêu ở trên, “hợp đồng, giao dịch được công chứng” phải được công chứng viên ký và đóng dấu tổ chức hành nghề công chứng nơi công chứng viên đó đăng ký hành nghề (xem khoản 1 Điều 5 của Luật Công chứng năm 2014). Nói theo một cách khác, nếu thiếu một trong hai yếu tố theo quy định của luật (chữ ký của công chứng viên và con dấu của tổ chức hành nghề công chứng), giá trị pháp lý của “hợp đồng, giao dịch được công chứng”, bao gồm cả giá trị thi hành và giá trị chứng cứ, đều sẽ không phát sinh, cho dù trên thực tế, các bên tham gia xác lập giao dịch cũng như công chứng viên đã tuân thủ toàn bộ các quy định của pháp luật có liên quan. Xoay quanh vấn đề này, có thể xảy ra tối đa 3 (ba) tình huống sau đây:
+ Tình huống thứ nhất, không có cả chữ ký của công chứng viên và con dấu của tổ chức hành nghề công chứng: Căn cứ theo nội dung khoản 8 Điều 40 của Luật Công chứng năm 2014, công chứng viên có nghĩa vụ ký vào giao dịch đang được thực hiện thủ tục công chứng ngay sau khi người yêu cầu công chứng đã ký vào giao dịch đó cũng như đã tiến hành kiểm tra bản chính các giấy tờ, tài liệu có trong bộ hồ sơ yêu cầu công chứng. Tuy nhiên, vì một lý do “bất khả kháng” nào đó (ví dụ như đột quỵ…), công chứng viên đã không kịp ký vào giao dịch đó và cũng chưa kịp đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
+ Tình huống thứ hai, có chữ ký của công chứng viên nhưng chưa có con dấu của tổ chức hành nghề công chứng: Theo nội dung điểm d khoản 2 Điều 32 của Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư, thì việc đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng vào văn bản công chứng chỉ được thực hiện sau khi có chữ ký của công chứng viên. Trên thực tế, tình huống này có thể xảy ra, bởi lẽ giữa thời điểm công chứng viên ký và thời điểm đóng con dấu của tổ chức hành nghề công chứng luôn tồn tại một khoảng thời gian nhất định, cho dù là rất ngắn.
+ Tình huống thứ ba, có con dấu của tổ chức hành nghề công chứng nhưng không có chữ ký của công chứng viên: Cũng căn cứ theo nội dung điểm d khoản 2 Điều 32 của Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư, tình huống này khó có thể xảy ra trên thực tế, trừ trường hợp người làm công tác văn thư của tổ chức hành nghề công chứng vi phạm quy định của pháp luật có liên quan. Trong chừng mực tối đa của luật viết, dường như ở tình huống thứ nhất lúc này giao dịch được xác lập đương nhiên sẽ không trở thành văn bản công chứng và giá trị pháp lý của nó sẽ được xác định theo quy định của pháp luật có liên quan đến giao dịch được chuyển tải dưới hình thức bằng văn bản (xem Điều 117 và Điều 119 của Bộ luật Dân sự năm 2015). Tình huống thứ ba chúng tôi không đặt ra, bởi lẽ tại đây đã có sự vi phạm pháp luật. Có thể khẳng định rằng tình huống thứ hai là tình huống mà chúng ta có thể hay bắt gặp trong thực tế cuộc sống, nhất là đối với những trường hợp công chứng ngoài trụ sở theo nội dung khoản 2 Điều 44 của Luật Công chứng năm 2014, bởi lẽ về mặt nguyên tắc, con dấu của tổ chức hành nghề công chứng phải được quản lý tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và chỉ được mang ra ngoài trụ sở với một số điều kiện xác định (khoản 5 Điều 24 của Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu).
Khi nhắc đến vai trò của tổ chức hành nghề công chứng đối với giá trị pháp lý của văn bản công chứng nói chung hay “hợp đồng, giao dịch được công chứng” nói riêng, chúng ta không thể không đề cập đến hoạt động lưu trữ và cấp bản sao văn bản công chứng. Xoay quanh nội dung này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nội dung một số điều luật có liên quan. Cụ thể, khoản 1 Điều 64 của Luật Công chứng năm 2014 khẳng định “Tổ chức hành nghề công chứng phải bảo quản chặt chẽ, thực hiện biện pháp an toàn đối với hồ sơ công chứng” trong khi “Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản về việc cung cấp hồ sơ công chứng phục vụ cho việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc đã công chứng thì tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm cung cấp bản sao văn bản công chứng và các giấy tờ khác có liên quan. Việc đối chiếu bản sao văn bản công chứng với bản chính chỉ được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng nơi đang lưu trữ hồ sơ công chứng” là quy định tại khoản 3 Điều 64 của Luật Công chứng năm 2014. Tiếp đó, khoản 2 Điều 65 của Luật Công chứng năm 2014 nêu rõ “Việc cấp bản sao văn bản công chứng do tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ bản chính văn bản công chứng đó thực hiện”.
Như vậy, từ nội dung những điều luật vừa trích dẫn ở trên, chúng ta thấy không chỉ là nơi diễn ra cũng như gắn liền với hoạt động nghề nghiệp của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng còn đảm trách nhiệm vụ lưu trữ và cung cấp bản sao hồ sơ công chứng và văn bản công chứng. Tất nhiên, bên cạnh những quy định mang tính chất đặc thù, dành riêng cho việc lưu trữ văn bản công chứng và hồ sơ đi kèm được ghi nhận tại pháp luật công chứng, các quy định của pháp luật lưu trữ như: Luật Lưu trữ năm 2011, Nghị định số 01/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lưu trữ… cũng sẽ được áp dụng. Nhìn chung, quy định về lưu trữ hồ sơ công chứng và cấp bản sao văn bản công chứng được pháp luật thực định ghi nhận một cách rõ ràng, đầy đủ với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những giấy tờ, tài liệu này. Theo quy định hiện hành, chúng ta thấy các nhà làm luật đang thiết kế 2 (hai) trình tự cung cấp bản sao hồ sơ yêu cầu công chứng và bản sao văn bản công chứng. Cụ thể là:
+ Trình tự thứ nhất được ghi nhận tại khoản 3 Điều 64 của Luật Công chứng năm 2014: Trình tự này được quy định một cách rõ ràng, cụ thể các đối tượng cũng như cách thức để được xin cấp bản sao hồ sơ yêu cầu công chứng cũng như văn bản công chứng.
+ Trình tự thứ hai được ghi nhận tại Điều 65 của Luật Công chứng năm 2014: Trình tự này áp dụng cho người yêu cầu công chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khi có nhu cầu xin cấp bản sao văn bản công chứng (không cấp bản sao hồ sơ yêu cầu công chứng).
Như vậy, nhìn dưới một giác độ nào đó chúng ta thấy quy trình lưu trữ và cấp bản sao hồ sơ yêu cầu công chứng và văn bản công chứng chính là cách thức tổ chức hành nghề công chứng lưu trữ và cung cấp không chỉ chứng cứ phục vụ cho hoạt động chuyên môn của cơ quan tài phán và một số cơ quan khác mà còn nhằm phục vụ cho các nhu cầu có liên quan đến giá trị thi hành của “hợp đồng, giao dịch được công chứng” của người yêu cầu công chứng cũng như của cá nhân, cơ quan hữu quan. Tuy nhiên, với tư cách là chứng cứ, dường như cách thức quy định về lưu trữ và cung cấp bản sao hồ sơ yêu cầu công chứng và văn bản công chứng còn có một vài điểm khác biệt trong tương quan so sánh với nội dung khoản 3 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Từ nội dung của những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực công chứng hiện hành, chúng tôi thấy trong tương quan so sánh với giá trị pháp lý của văn bản công chứng, nhất là “hợp đồng, giao dịch được công chứng”, vai trò của tổ chức hành nghề công chứng còn thể hiện rất rõ trong quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Khi đề cập đến “Bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng”, Điều 38 của Luật Công chứng năm 2014 nêu rõ “1. Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.
- Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết”. Nội dung điều luật vừa trích dẫn kể trên hoàn toàn phù hợp với cách thức tiếp cận được ghi nhận trong pháp luật dân sự, theo đó “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật” (xem Điều 597 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về “Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra”). Trước đó, khoản 5 Điều 33 của Luật Công chứng năm 2014 cũng khẳng định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ “Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình theo quy định tại Điều 37 của Luật này và bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 38 của Luật này”. Và toàn văn Chương III của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng cũng đã được các nhà lập quy sử dụng để quy định về “Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên”.
Như vậy, trong hoạt động công chứng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xây dựng theo cơ chế sau đây:
+ Về mặt nguyên tắc, tổ chức hành nghề công chứng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người yêu cầu công chứng cũng như bên thứ ba nếu như thiệt hại gây ra do lỗi không chỉ của công chứng viên, nhân viên của tổ chức hành nghề công chứng mà còn của cả cộng tác viên phiên dịch của tổ chức hành nghề công chứng đó. Sau đó, tùy từng trường hợp cụ thể mà những cá nhân này có trách nhiệm bồi hoàn lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng.
+ Ngoài ra, tổ chức hành nghề công chứng còn có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các công chứng viên làm việc tại tổ chức hành nghề công chứng đó.
Căn cứ theo nội dung Điều 71 của Luật Công chứng năm 2014 thì bản thân công chứng viên cũng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy luật viết không khẳng định nhưng dường như chúng ta có thể suy luận rằng cơ chế bồi thường này sẽ được áp dụng khi không có yếu tố lỗi của công chứng viên. Đến đây, chúng ta có thể khẳng định rằng giá trị pháp lý của văn bản công chứng, cụ thể là “hợp đồng, giao dịch được công chứng”, được pháp luật công chứng xác định như hiện tại có nguồn gốc chủ yếu từ địa vị pháp lý của công chứng viên, trình tự, thủ tục công chứng… nhưng để được phát sinh và sau đó là bảo đảm giá trị pháp lý này, vị trí và vai trò của tổ chức hành nghề công chứng là không thể phủ nhận. Dưới nhãn quan của một công chứng viên, chúng tôi thấy vị trí, vai trò của tổ chức hành nghề công chứng đối với giá trị pháp lý của văn bản công chứng nói chung được thể hiện dưới 3 (ba) giác độ sau:
- i) xác thực, khẳng định giá trị pháp lý của văn bản công chứng thông qua việc đóng con dấu của tổ chức hành nghề công chứng;
- ii) lưu trữ và cấp bản sao hồ sơ yêu cầu công chứng cũng như văn bản công chứng;
iii) bồi thường thiệt hại theo quy định cho người yêu cầu công chứng cũng như bên thứ ba có liên quan. Từ kết quả trình bày, phân tích ở trên về mối quan hệ giữa tổ chức hành nghề công chứng và giá trị pháp lý của văn bản công chứng nói chung cũng như “hợp đồng, giao dịch được công chứng” nói riêng, nhất là cơ chế bảo đảm giá trị pháp lý của văn bản công chứng theo quy định hiện hành, chúng tôi thấy xuất hiện một số bất cập chủ yếu liên quan đến cách thức bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng. Cụ thể như sau:
– Căn cứ nội dung Điều 21 và Điều 31 của Luật Công chứng năm 2014 thì về mặt quy định, tổ chức hành nghề công chứng có thể chấm dứt hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau mà không nhất thiết phải có tổ chức hành nghề công chứng khác kế thừa toàn bộ các quyền và nghĩa vụ. Tuy nhiên, dẫn chiếu nội dung Điều 38 của Luật Công chứng năm 2014 và Điều 597 của Bộ luật Dân sự năm 2015, rõ ràng tổ chức hành nghề công chứng mới là chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng cũng như cá nhân, tổ chức có liên quan do lỗi của công chứng viên, nhân viên, cộng tác viên phiên dịch của tổ chức hành nghề công chứng gây ra. Nhìn dưới góc độ này, quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng, cá nhân, tổ chức có liên quan rất khó được đảm bảo nếu như tại thời điểm phát sinh yêu cầu bồi thường thiệt hại, tổ chức hành nghề công chứng đó đã không còn tồn tại, nhất là trong bối cảnh không có một tổ chức hành nghề công chứng khác kế thừa toàn bộ các quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng đã chấm dứt hoạt động.
Đặc biệt, căn cứ nội dung khoản 1 Điều 38 của Luật Công chứng năm 2014 và khoản 1 Điều 20 của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng, chúng ta thấy trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra do lỗi của công chứng viên được pháp luật xác định cho cả tổ chức hành nghề công chứng và bản thân công chứng viên. Điều này cũng sẽ gây khó khăn cho các bên có liên quan trong quá trình áp dụng trên thực tế.
– Căn cứ nội dung khoản 5 Điều 33 của Luật Công chứng năm 2014 thì bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên là bảo hiểm bắt buộc. Tham khảo nội dung những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực bảo hiểm như: Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010 và năm 2019, Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 80/2019/NĐ-CP ngày 01/11/2019 của Chính phủ… chúng ta thấy xuất hiện một số quy định có liên quan đến loại hình bảo hiểm bắt buộc. Khoản 1 Điều 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010 và năm 2019 định nghĩa “Bảo hiểm bắt buộc là loại bảo hiểm do pháp luật quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu mà tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện.
Bảo hiểm bắt buộc chỉ áp dụng đối với một số loại bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội”. Ngoài ra, tùy vào từng loại bảo hiểm bắt buộc, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể (đơn cử như Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15/01/2021 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới).
Hiện nay, các quy định có liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên được ghi nhận tại Chương III, Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/03/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng. Tuy nhiên, theo nhận định của cá nhân người viết, cách thức quy định như hiện nay là chưa thực sự bám sát yêu cầu thực tế. Đơn cử, tại khoản 2 Điều 22 của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng, chúng ta chỉ đưa ra mức phí bảo hiểm tối thiểu là “03 (ba) triệu đồng một năm cho một công chứng viên” trong khi vẫn cho phép các bên có thể thỏa thuận mức phí bảo hiểm mà không tính toán đến một số yếu tố như: giá trị của giao dịch được công chứng, số lượng văn bản công chứng hàng năm… là chưa phù hợp.
– Một cơ chế đảm bảo trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng đã được pháp luật thực định chính thức ghi nhận chính là quỹ bồi thường thiệt hại. Cụ thể, khoản 5 Điều 30 của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng nêu rõ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam được “Thành lập Quỹ bồi thường thiệt hại trong phạm vi tổ chức mình để hỗ trợ việc bồi thường thiệt hại do lỗi của hội viên khi hành nghề công chứng trong trường hợp bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của hội viên không đủ bồi thường; quản lý Quỹ bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”. Trong khi đó, căn cứ theo nội dung khoản 1 Điều 39 của Luật Công chứng năm 2014 và khoản 1 Điều 27 của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng thì dường như chỉ có công chứng viên mới là thành viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong hoạt động công chứng. Tuy nhiên, tại Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam được phê duyệt kèm theo Quyết định số 1621/QĐ-BTP ngày 19/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đối tượng hội viên của Hiệp hội công chứng viên đã được mở rộng. Cụ thể, Điều 1 của Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam được phê duyệt kèm theo Quyết định số 1621/QĐ-BTP ngày 19/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định “Hiệp hội công chứng viên Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các công chứng viên, Hội công chứng viên là hội viên của Hiệp hội trong phạm vi cả nước”. Cho đến thời điểm hiện tại, do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan, quỹ bồi thường thiệt hại chưa được thành lập trên thực tế nhưng dường như các quy định hiện hành có xu hướng sử dụng quỹ bồi thường thiệt hại này bồi thường cho thiệt hại do lỗi của công chứng viên gây ra, vì Hội công chứng viên không có bất cứ một vai trò nào đối với giá trị pháp lý của văn bản công chứng trong khi tổ chức hành nghề công chứng lại không phải là hội viên của Hội công chứng viên hay Hiệp hội công chứng viên Việt Nam.
Tóm lại, trên đây chúng tôi đã trình bày một cách vắn tắt vị trí, vai trò của tổ chức hành nghề công chứng trong tương quan so sánh với giá trị pháp lý của văn bản công chứng, nhất là “hợp đồng, giao dịch được công chứng” theo quy định của pháp luật hiện hành. Theo nhận định của cá nhân người viết, vai trò nổi trội của tổ chức hành nghề công chứng đối với giá trị pháp lý của văn bản công chứng nói chung hay “hợp đồng, giao dịch được công chứng” nói riêng thể hiện rõ nét nhất ở cơ chế bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng. Từ những quy định của pháp luật có liên quan, tác giả đã mạnh dạn chỉ ra một số vấn đề còn vướng mắc có liên quan đến cơ chế bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng và kiến nghị đưa ra không có gì khác ngoài việc chúng ta cần phải sớm khắc phục, sửa chữa những khiếm khuyết này./.